Nguyễn Minh Nhựt, làm sách vì mê sách

“Nếu không làm nổi thì tự trọng mà rút lui” là thái độ sống của Nguyễn mInh Nhựt, giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị thuộc top 3 nhà xuất bản hàng đầu Việt Nam.

Nguyễn Minh Nhựt

Đó là một “anh chàng” cao lớn tóc xoăn bay lòa xòa, cười nói hồn hậu và sinh vào cuối năm 1975. Người quen biết cũng sẽ ngạc nhiên nếu “gặp” Nguyễn Minh Nhựt trên Facebook: Lúc nào cũng thấy anh đang trên một hành trình nào đó khắp Bắc, Trung, Nam hoặc đang lên lịch những cuộc gặp suốt tuần và luôn chấm dứt bằng dòng chữ vui đùa: “he he và he he”. Người ta sẽ tự hỏi, anh chàng giám đốc này làm việc thế nào, với khối lượng công việc chắc chắn rất đồ sộ?

 

Bắt đầu từ Lục Vân Tiên, Phạm Công- Cúc Hoa

Ngày đó, có một cậu bé còn chưa đi học, mỗi chiều vẫn nằm lơ mơ trong lòng bà nội để nghe bà nói thơ Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa. Cả hai câu chuyện đều rất nhân hậu với cái kết tốt đẹp dành cho người hiền và sự trừng phạt dành cho kẻ ác.

Khi bắt đầu biết đọc, sách đã là tiếng gọi bí ẩn bắt hết hồn vía cậu bé Nhựt khiến cậu cứ la cà khắp làng trên xóm dưới, thấy chỗ nào có sách là tấp vào làm quen để mượn đọc, từ những điểm bán sách, cho thuê sách đến các thư viện nhỏ của huyện Chợ Lách nghèo, buồn hiu hắt của đất Bến Tre. Riết rồi mọi người đều quen mặt đến mức cho phép cậu bé được tự do vào đọc ké, ngay cả mượn sách mang về nhà mà không phải qua bất cứ thủ tục nào.

Những hàng xóm lớn tuổi khi mua được quyển sách ưng ý lại kêu “thằng Nhựt” vào cho mượn đọc. Cuộc sống giữa thập niên 1980 vô cùng khó khăn, sách là một thứ xa xỉ không chỉ với người nông thôn mà ngay với người thành thị. Thế nhưng cậu học trò tiểu học vẫn rất “phong lưu”, trong tay luôn có quyển truyện cũ hay truyện chưởng để vừa đi vừa đọc, vừa ăn vừa đọc, vừa chăn bò vừa đọc… Nhiều lần nằm dài ra cỏ đắm chìm vào sách, khi sực nhớ ra thì bò đã tản hết vào rẫy hàng xóm, xơi cả rau màu của người ta. May là bà con thương thằng bé ham đọc nên chỉ rầy la nhẹ nhàng. Có thể đó là một cơ duyên để Nguyễn Minh Nhựt trở thành người làm sách sau này.

 

Hóa học, ngành thực nghiệm

Sau khi xong bậc trung học, cậu tú Nguyễn Minh Nhựt đã lên Sài Gòn để thi vào khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên. Có hai lý do: Cậu chưa biết mặt mũi Sài Gòn thế nào nên muốn lên cho biết. Lý do thứ hai: Hóa là môn học cậu toàn đạt điểm 10 suốt hai năm cuối cấp.

Nhựt là con nhà nghèo từng phải vừa đi học vừa chăn bò nên ngay từ học kỳ hai của năm thứ nhất đại học, ngoài việc đi dạy kèm, anh còn làm thêm nhiều công việc khác để có tiền trang trải học phí, dù đã được giảm một nửa vì là con thương binh.

Tốt nghiệp loại khá, Nhựt được giữ lại trường, rồi thi đậu cao học với con đường hoạt động chuyên môn rộng mở phía trước, được kỳ vọng sẽ nối nghiệp thầy cô ở ngôi trường uy tín. Vậy mà bước ngoặt đã đến khi Nguyễn Minh Nhựt được điều chuyển sang làm công tác thanh niên suốt thời gian năm năm. Yêu thích bất cứ công việc nào đến tay, Nhựt toàn tâm toàn ý với trách nhiệm mới, không còn thì giờ để hoàn tất những bài thực nghiệm nghiêm túc nên đã không thể lấy được bằng cao học dù đủ điểm viết trong cả ba lần thi.

 

Nguyễn Minh Nhựt

 

Anh Nguyễn Minh Nhựt trong 1 lần về lại trường cũ trong lễ mừng thọ Cô Nguyễn Thị Tố Nga

 Khẩu quyết giản đơn

Có một điều mà anh rất tâm đắc, đó là điều mà Trương Vô Kỵ đã tự nhủ khi đứng trước Diệt Tuyệt sư thái: “Đối phương mạnh mặc đối phương, ta cứ giữ trong lòng một hơi chân khí là đủ”. Có thể chính nhờ điều này mà Nguyễn Minh Nhựt đã vượt qua những giai đoạn khó khăn trong đời mình. Từ một trưởng ban của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh, Nhựt được điều chuyển sang báo Tuổi Trẻ để lo phần trị sự của tòa soạn. Và có lẽ mọi chuyện sẽ được “an bài” như thế nếu không có ý kiến của hai cựu giám đốc Nhà xuất bản Trẻ: Lê Hoàng và Quách Thu Nguyệt, yêu cầu chuyển Nguyễn Minh Nhựt sang phụ trách nhà xuất bản. Ban đầu Nhựt từ chối nhưng sau đó đã đồng ý với tâm thế “tận nhân lực, tri thiên mệnh”, nếu không làm nổi việc thì phải tự trọng mà rút lui.

 

Nguyễn Minh Nhật

 

Nguyễn Minh Nhật trong ngày ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

 Từ bài viết của tác giả: HOÀNG SA